Làm gì để đón 'sóng' FDI cập bến năm 2021?

Làm gì để đón 'sóng' FDI cập bến năm 2021?

Thông tin chi tiết

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam tính đến ngày 20/12/2020, bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 28,5 tỷ USD, giảm 25% so với năm 2019. Theo đánh giá, đây là kết quả hoàn toàn có thể chấp nhận được trong bối cảnh tổng vốn FDI toàn cầu suy giảm mạnh.

 

Nhiều 'đại gia' để ý

 

Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo, tổng vốn FDI toàn cầu năm 2021 sẽ tăng trưởng lại về mức trướckhi có dịch COVID-19 nhờ các chuỗi giá trị toàn cầu được khôi phục và nhu cầu đa dạng hóa nguồn sản xuất của các công ty đa quốc gia và chính phủ các nước.

Trên thực tế, WB đánh giá một số công ty đa quốc gia hiện đang dịch chuyển một phần các cơ sở sản xuất sang Việt Nam, còn các doanh nghiệp (DN) mới cũng đang quan tâm và mong muốn dịch chuyển sang một trong những nền kinh tế năng động nhất thế giới như Việt Nam.

 

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, nhiều hãng sản xuất đa quốc gia lớn đã và đang có kế hoạch mở rộng đầu tư hoặc đầu tư mới tại Việt Nam như Toyota, Ford, Honda, Hyundai, Mazda, Mitsubishi, Foxconn, Samsung...

 

Đại diện Hiệp hội các DN Australia tại Việt Nam cho biết, DN Australia cũng giống như các công ty khác trên thế giới vào thời điểm này, đang rà soát, đánh giá và định hình lại hoạt động ở phạm vi trong nước cũng như nước ngoài. Nhiều công ty ở Australia đang phải vật lộn để tồn tại và chuyển đổi để tinh gọn hơn, tập trung hơn và đang cân nhắc đa dạng hóa chuỗi cung ứng, đặc biệt là ở châu Á, trong đó Việt Nam nổi lên là một điểm đến tin cậy.

 

Tương tự, đại diện Hiệp hội thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham) đánh giá thành công trong việc phòng chống dịch bệnh đã giúp Việt Nam sớm bắt đầu công cuộc phục hồi kinh tế và trong bối cảnh các công ty liên tục điều chỉnh chuỗi cung ứng toàn cầu, sự ứng phó hiệu quả của Chính phủ đối với đại dịch sẽ càng nâng tầm vị thế của Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn.

 

Tuy nhiên, đại diện AmCham mong muốn Chính phủ Việt Nam có các phương án hỗ trợ các giám đốc điều hành và nhóm hỗ trợ kỹ thuật của các DN nước ngoài vào Việt Nam làm việc.

 

"Chúng tôi hiểu rằng an toàn vẫn là ưu tiên hàng đầu, nhưng mong muốn Chính phủ có thể đưa ra những hướng dẫn, thủ tục đơn giản hơn cho các nhân viên bị mắc kẹt ở nước ngoài có thể nhanh chóng quay trở lại Việt Nam hoặc những người không muốn mạo hiểm rời khỏi Việt Nam vì lo lắng rằng sẽ không được phép quay lại có thể yên tâm công tác", đại diện AmCham chia sẻ.

 

Khắc phục điểm yếu công nghiệp phụ trợ 

 

Ngoài ra, khi mới đến Việt Nam, các nhà đầu tư cũng cần cử nhân sự để khảo sát và đàm phán với các đối tác. Vì vậy, AmCham mong muốn cánh cửa ngành du lịch có thể mở trở lại, một cách an toàn để khôi phục ngành khách sạn đang bị tổn thất nặng nề. Sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các cơ quan Chính phủ, các công ty vận tải và khách sạn là vô cùng quan trọng.

 

Tất nhiên, những kiến nghị của AmCham chỉ là những lý do tạm thời bất đắc dĩ vì dịch COVID-19 chưa được khống chế trên thế giới. Về lâu dài, ông Tetsu Funayama, Đại diện Hiệp hội DN Nhật Bản cho biết, khi DN Nhật Bản tại Việt Nam (ví dụ DN sản xuất ô tô) đầu tư thiết bị cho nhà máy sản xuất, rơi vào tình trạng rất khó đầu tư vốn cho dây chuyền sản xuất sản phẩm dành cho thị trường nội địa vì thị trường nội địa Việt Nam chưa phát triển đến quy mô giúp DN có thể thu hồi khoản vốn đầu tư này.

 

Đồng thời, trong việc thu hút đầu tư cho ngành công nghiệp sản xuất, ông Tetsu Funayama thấy rằng ngành công nghiệp vật liệu (như kim loại và nhựa chất lượng cao) chưa phát triển ở Việt Nam. Hơn nữa, cho dù DN Nhật Bản đã phát triển được mạng lưới nhà cung cấp tại Việt Nam đi nữa thì khi đạt đến một mức độ nhất định, các nhà cung cấp này sẽ chuyển hướng kinh doanh với các công ty từ các quốc gia khác thay vì tiếp tục hợp tác với DN Nhật Bản.

 

Kết quả tất yếu là sự phụ thuộc vào vật liệu nhập khẩu sẽ ngày càng tăng, khiến ngành công nghiệp vật liệu có giá trị gia tăng và chất lượng cao tại Việt Nam khó có thể phát triển được. Cho đến khi thị trường trong nước phát triển, DN Nhật Bản mong muốn Chính phủ xem xét việc áp dụng biện pháp hỗ trợ tài chính và ưu đãi thuế đối với hoạt động đầu tư vốn vào trang thiết bị như đồ gá nhằm thúc đẩy đầu tư từ các hãng sản xuất ô tô.

 

Để thu hút DN Nhật Bản sản xuất các sản phẩm liên tiếp, cao cấp và phát triển mạng lưới nhà cung cấp có thể sản xuất vật liệu có giá trị gia tăng và chất lượng cao tại Việt Nam, đại diện Hiệp hội DN Nhật Bản cũng kiến nghị: Chính phủ Việt Nam xem xét áp dụng các chính sách khuyến khích chẳng hạn như ưu đãi thuế cho nhà cung cấp và các DN có kế hoạch mở rộng, phát triển mạng lưới nhà cung cấp sản xuất các vật liệu có giá trị gia tăng và chất lượng cao tại Việt Nam.

 

Trước thực tế này, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài đề xuất, cần phải nâng cao năng lực về vốn, công nghệ, sản phẩm của DN nội địa Việt Nam để gia nhập vào chuỗi sản xuất của các DN FDI. Có như vậy, chúng ta mới gia tăng giá trị cho người Việt Nam.

 

WB cũng cho rằng thách thức của Việt Nam không nhất thiết là thu hút thêm nhà đầu tư mà tối ưu hóa tác động cộng hưởng với nhà cung cấp và phân phối trong nước để phục vụ cho thị trường trong nước ngày một lớn mạnh, qua đó tạo điều kiện lan tỏa về công nghệ và năng lực.

 

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, năm 2020 đã tranh thủ xu hướng chuyển dịch thương mại - đầu tư trên thế giới để tập trung đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu trong lĩnh vực công nghiệp và tiến dần trong chuỗi giá trị ở một số ngành công nghiệp của Việt Nam, đặc biệt là các ngành công nghiệp chế biến chế tạo. Từ đó, kết nối với các tập đoàn lắp ráp đa quốc gia và các nhà cung ứng lớp trên thế giới nhằm tìm đầu ra cho sản phẩm, từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng của các DN FDI... Và điều này sẽ được đẩy mạnh trong năm 2021.

 

Theo www.bsc.com.vn

CONTACT US

Liên hệ với chúng tôi để biết các thông tin chi tiết hoặc cập nhật các thông tin mới nhất từ MEGACON